 Các đại biểu tham dự hội thảo. LTS- Hội thảo quốc tế "Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội vừa qua thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó có nhiều chuyên gia, học giả Việt Nam và quốc tế. Những kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách tại hội thảo là nguồn thông tin tham khảo quý đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình triển khai tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Tránh sập bẫy "thu nhập trung bình" Đó là phát biểu của Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) H.Clác tại hội thảo. Bà H.Clác khẳng định, với thế mạnh về lực lượng lao động, nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý, việc tiếp tục nỗ lực thực hiện những cải cách phù hợp sẽ giúp Việt Nam phát huy hiệu quả những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội ấn tượng đã đạt được. Tổng Giám đốc UNDP H.Clác đánh giá cao những thành tựu của công cuộc Đổi mới, nhất là phát triển con người tại Việt Nam. Bà Clác nhấn mạnh, với tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân 7,3%, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp năm lần trong giai đoạn 1990-2010, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới. Việt Nam cũng có những cam kết và kết quả đáng ghi nhận trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển con người, đồng thời hoàn thành trước thời hạn đa số Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Tuy nhiên, bà H.Clác cũng nhấn mạnh phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, "việc bước vào nhóm nước thu nhập trung bình đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam, trong đó nổi lên là thách thức tụt hậu và rơi vào "bẫy thu nhập trung bình". Tổng Giám đốc UNDP khuyến nghị một số lĩnh vực quan trọng Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình cải cách kinh tế, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản. Nhắc lại ấn tượng khi lần đầu đến Việt Nam năm 1998, bà cho biết: "Việt Nam có rất nhiều loại trái cây ngon, nhưng thế giới không biết nhiều về các sản phẩm này. Tôi cho rằng, những trái cây này cần được đầu tư hơn nữa về mặt thương hiệu, năng suất, chất lượng và chiến lược quảng bá để có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường quốc tế". Tổng Giám đốc UNDP nhấn mạnh, đột phá trong quản lý nông nghiệp đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng một chiến lược hợp lý cho quảng bá thương hiệu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm là bước đi cần thiết giúp gia tăng giá trị của các mặt hàng nông sản và lợi nhuận cho nông dân. Bên cạnh đó, với thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu lương thực, chú trọng đầu tư giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu đóng vai trò then chốt bảo đảm tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Chia sẻ quan điểm với bà H.Clác về vai trò quan trọng của cải cách nông nghiệp, tiến sĩ Th.Pa-la-ni-ven, Kinh tế trưởng Văn phòng châu Á -Thái Bình Dương của UNDP cho rằng, phát triển nông nghiệp hỗ trợ tích cực quá trình công nghiệp hóa. Ngoài ra, theo tiến sĩ Th.Pa-la-ni-ven, những kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po... về đổi mới thể chế kinh tế có thể gợi mở những giải pháp giúp Việt Nam vượt qua "bẫy thu nhập trung bình". Tiến sĩ Pa-la-ni-ven cho rằng, các nền kinh tế này có một số đặc điểm chung như: Cân bằng tốc độ tăng trưởng với phân bổ đồng đều thu nhập, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu, chú trọng đầu tư cho giáo dục, chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao... Tiến sĩ Pa-la-ni-ven nhấn mạnh, theo định nghĩa của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoảng thời gian hợp lý để một nền kinh tế chuyển từ mức thu nhập trung bình lên thu nhập cao là từ 40 đến 42 năm. Việt Nam mới gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình, nên việc sớm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới sẽ giúp Việt Nam tránh được "bẫy thu nhập trung bình". Chia sẻ một số khuyến nghị dựa trên tình hình thực tế tại Việt Nam, tiến sĩ Pa-la-ni-ven cho rằng, bên cạnh nông nghiệp và công nghiệp, thời gian tới, Việt Nam nên chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Tiếp tục dành ưu tiên cho giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, việc xây dựng một nền tảng kinh tế vững chắc là yếu tố cần thiết để Việt Nam sẵn sàng đối phó hiệu quả nguy cơ từ các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh vấn đề đổi mới nền nông nghiệp và kinh nghiệm vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", các đại biểu tham dự hội thảo cũng thảo luận chung quanh các vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước, xử lý các vấn đề của hệ thống ngân hàng, xây dựng năng lực công nghiệp... NGỌC HÀ Giáo sư R.Đô-nơ, đại học E-mo-ri (Mỹ): Phải tạo "sân chơi" bình đẳng .jpg)
Với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Việt Nam luôn không ngừng học hỏi kinh nghiệm cải cách trong lĩnh vực công nghiệp từ các quốc gia Đông - Nam Á khác. Tại Hội thảo này, tôi muốn trao đổi với các bạn về tầm quan trọng của việc đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam. Đây là một yêu cầu cấp thiết mang tính chiến lược, giúp khơi dậy và giải phóng tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Xoay quanh chủ đề đổi mới thể chế kinh tế, tôi muốn nhấn mạnh đến việc xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực quốc doanh. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn nhận được sự ưu tiên đặc biệt trong việc tiếp cận những nguồn lực như đất đai hay vốn tín dụng, song hiệu quả hoạt động lại chưa thật sự tương xứng quy mô đầu tư. Do đó, những đổi mới về thể chế sẽ tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp này vươn lên cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân trên một "sân chơi" công bằng, bình đẳng và minh bạch hơn. Tại một số quốc gia láng giềng thuộc khu vực Đông - Nam Á như Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po..., việc cải cách thể chế kinh tế đã được thực hiện tương đối hiệu quả. Đơn cử như trong ngành công nghiệp sản xuất ô-tô của Thái-lan, với những quy định mới về đa dạng hóa quyền sở hữu doanh nghiệp và khuyến khích cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vào cuối năm 2012, Thái-lan đã nằm trong số 10 quốc gia sản xuất ô-tô hàng đầu thế giới. Hiện tại, theo tôi, Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của đổi mới thể chế và đang từng bước thực hiện. Chính phủ Việt Nam cần quyết tâm đẩy nhanh cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xây dựng một "sân chơi" bình đẳng. Tuy nhiên, thiết lập một thể chế mới không phải là điều dễ dàng. Điều đó đòi hỏi quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo cùng sự chủ động, sáng tạo của bản thân các doanh nghiệp Việt Nam. HÀ VĂN HẰNG | Tiến sĩ X.Tê-Meng-Gung, nguyên chủ tịch cơ quan tái cấu trúc ngân hàng quốc gia In-đô-nê-xi-a (IBRA): Dẹp nợ xấu và sở hữu chéo 
Với nhiều năm nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tôi hiểu rõ rằng, một nền kinh tế tăng trưởng ổn định và gặt hái nhiều thành tựu trước hết cần có một hệ thống tài chính vững mạnh. Hội thảo này là cơ hội để chúng tôi chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng và cải cách trong lĩnh vực tài chính. Cũng như một số nước ASEAN khác, In-đô-nê-xi-a đã thật sự bị cuốn vào khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 - 1998 và phải trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế nghiêm trọng với tăng trưởng âm 18% năm 1998, lạm phát ở mức 60% cùng hơn 250.000 doanh nghiệp mắc nợ hoặc buộc phải tái cơ cấu tài chính. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để chèo chống hệ thống tài chính vượt qua "cơn bão" khủng hoảng, mỗi nước áp dụng một biện pháp riêng. Thái-lan quyết định mở cửa huy động vốn từ các nguồn lực bên ngoài nhằm vực dậy hệ thống ngân hàng, trong khi In-đô-nê-xi-a tập trung thực hiện tái cấu trúc ngân hàng, xử lý các khoản nợ xấu và tình trạng sở hữu chéo. Tôi cho rằng, Việt Nam có thể rút ra bài học quý báu từ kinh nghiệm của các nước ASEAN để tránh những rủi ro tài chính có thể gặp phải trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu. Các chỉ số kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức lạm phát, tỷ giá đồng nội tệ của Việt Nam hiện nay khá ổn định và không có dấu hiệu mất kiểm soát, tuy nhiên, hiện tượng sở hữu chéo và nợ xấu đang là một thách thức lớn đe dọa hệ thống tài chính. Để giải quyết cơ bản vấn đề này, vai trò của Chính phủ vô cùng quan trọng. Tôi nhận thấy, Chính phủ Việt Nam rất có trách nhiệm, luôn quan tâm và sẵn sàng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế, song nên tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo và cố gắng xử lý vấn đề nợ xấu trong thời gian ngắn nhất. Cùng với tầm nhìn chiến lược và những định hướng phát triển cụ thể, việc Việt Nam đề cao vai trò của một hệ thống tài chính ngân hàng ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đất nước các bạn trong quá trình theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. TRUNG THƠM | Giáo sư G.Giép-phơ-xơn, Đại học Bren-đây-xơ (Mỹ): Cạnh tranh đóng vai trò đặc biệt .jpg)
Là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước ở một số quốc gia châu Á, nhất là Trung Quốc, đến với buổi hội thảo hôm nay, tôi mong muốn có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các bạn Việt Nam. Hiện nay, tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nhà nước tương đối lớn, đóng góp vào nền kinh tế quốc gia 32,5% GDP và có mặt ở hầu hết các ngành của nền kinh tế. Với tầm quan trọng này, việc cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết. Qua những quan sát của mình về quá trình cải cách kinh tế ở các quốc gia châu Á, tôi nhận thấy, sự cạnh tranh đóng một vai trò đặc biệt, bởi nhân tố này sẽ chi phối thị phần cũng như vị trí của doanh nghiệp trên thị trường. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp phải không ngừng trau dồi học hỏi, tìm kiếm những công nghệ và phương pháp quản lý mới giúp cải thiện hoạt động kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, từ đó góp phần thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc gia phát triển. Bởi vậy, theo tôi, Việt Nam cần phải duy trì một thị trường hàng hóa cạnh tranh mang tính toàn cầu; một thị trường vốn đa dạng, rộng mở; đồng thời thiết lập tính minh bạch cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tại châu Á, Trung Quốc đã rất thành công khi tạo ra "hiệu ứng lan tỏa" trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước tích cực đổi mới nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tôi tin rằng điều này cũng sẽ xảy ra tại Việt Nam. Qua buổi hội thảo hôm nay, tôi thấy đất nước bạn có những nhà lãnh đạo, những chuyên gia, học giả hiểu biết rất sâu sắc về lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước và tôi hy vọng rằng, họ sẽ tiếp tục đưa quá trình cải cách kinh tế tại Việt Nam đi đến thành công. VĂN HẰNG HÀ |
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét