Được cha mẹ trang bị không thiếu gì các phương tiện giải trí (ipad, iphone), được sống sung túc, đủ đầy…Nhưng có một nghịch lý là giờ đây rất nhiều trẻ em (đặc biệt ở thành phố) đang thiếu trầm trọng kỹ năng sống tối thiểu.
![]() Giờ học kỹ năng sống tại 1 trường tiểu học 1. Mấy ngày nay, cư dân mạng xôn xao về thông tin cháu Tuấn Linh 14 tuổi bị lạc trên đường đi học ngày 21-2 vừa qua, do cháu mới tự đi học bằng xe bus từ Ngã Tư Sở đến Long Biên (Hà Nội). Và đã có không ít nghi vấn đặt ra: Tại sao cậu bé không biết hỏi đường về nhà hay đơn giản là tới trụ sở công an gần nhất nhờ giúp đỡ… Theo gia đình Tuấn Linh, cậu bé là một người hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, không riêng cháu Tuấn Linh, thiếu kỹ năng sống đang là vấn đề đặt ra với trẻ từ cấp học mầm non tới các sinh viên đại học. Điều đó cho thấy lỗ hổng kỹ năng sống của các em đang ngày càng lớn. Và việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà còn ở bố mẹ, người thân. Làm sao để trẻ lớn lên trở thành người tự lập, tự chủ trong mọi tình huống. Đó là cái đích mà người lớn chúng ta hướng tới. Nên hiểu, giáo dục kỹ năng sống không phải là sự cao siêu xa vời. Hãy bắt đầu cho các em làm quen với cuộc sống hằng ngày từ những việc nhỏ. Theo chuyên gia Giáo dục Vũ Đức Trí Thể, anh đã tiếp xúc với rất nhiều em học sinh cấp hai, cấp ba để nghe các em chia sẻ về tình hình học hành, cuộc sống và phát hiện thấy một mẫu số chung đáng lo hiện nay, đó là các em đang ngày càng trở nên căng thẳng và mệt mỏi với việc học, thậm chí không còn hứng thú đến trường. Áp lực học tập mà các em đang gánh là rất nặng nề so với nội lực yếu ớt: sáng học chính, chiều phụ đạo, tối học thêm, sách vở chồng chất, bài tập dày đặc. Các em phải học quá nhiều thứ, nhưng lẽ ra điều đầu tiên cần dạy các em đó là "Tại sao phải học?” thì ít được đề cập. Ngoài ra, với lượng kiến thức khủng khiếp và áp lực thi cử căng thẳng, các em rất cần những phương pháp học tập sáng tạo để giúp việc học trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Dĩ nhiên, vẫn có rất nhiều em học giỏi nhưng cứ lù đù, rụt rè, không biết cách tương tác và làm việc với bạn bè đồng trang lứa (bởi người kia cũng thế nốt). Thực sự đang có một tỷ lệ lớn học sinh trong tình trạng này. 2. Nhiệm vụ của giáo dục là tạo ra những con người có giá trị và hữu ích cho xã hội. Kỹ năng sống là một phần không thể thiếu để giúp việc hấp thụ tri thức trở nên đúng đắn và dễ dàng hơn. Theo các chuyên gia giáo dục, kỹ năng sống và kiến thức cơ bản sẽ tạo nền tảng tốt cho quá trình học hỏi, phát triển sau này của trẻ. Các bé được học kỹ năng từ sớm, đúng phương pháp sẽ tự tin và nhanh nhẹn hơn trong cuộc sống. Nhiều người cho rằng trẻ dưới 5 tuổi cần nhất là được nuôi dưỡng tốt về thể chất, còn học tập nên để tới giai đoạn sau. Còn theo các nghiên cứu khoa học, đây là "thời kỳ vàng”, là cơ hội khai mở những tiềm năng phát triển ở trẻ nếu được dạy dỗ và sinh hoạt trong môi trường phù hợp. Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) – người có kinh nghiệm 10 năm tư vấn dạy con nhận định: Kỹ năng sống đối với trẻ là một điều cực kỳ quan trọng. Kỹ năng sống đơn giản là cần thiết cho cuộc sống, trẻ thực sự cần nếu chúng muốn là một con người, muốn sống tốt và sống an lành. Kỹ năng sống bao gồm: Kỹ năng thoát hiểm; ứng phó, ứng biến; Kỹ năng sử dụng các vật dụng (mọi vật dụng và đặc biệt là vật dụng nguy hiểm); khám phá cuộc sống một cách an toàn và hiệu quả; kỹ năng thể hiện trước đám đông… TS Hương nhấn mạnh:Hãy dạy cho trẻ ý thức được tầm quan trọng của việc học tập. Hãy bỏ bớt những nội dung không thực sự ý nghĩa để bổ sung những chương trình cần thiết cho trẻ, các cháu thực sự rất cần được học kỹ năng sống. Không riêng gì trẻ em, ngay cả người lớn, nhiều người cũng không thể nắm rõ các kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm cơ bản. Vấn đề bây giờ là ai đó, làm gì cho thế hệ hiện tại và mai sau ? 3. Vấn đề đặt ra tiếp theo là, kỹ năng sống có thể học ở đâu? Không thể chỉ riêng gia đình hay nhà trường có thể trang bị đầy đủ cho các em những kiến thức này. Như vậy, kỹ năng sống nhất thiết phải là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết đi từ gia đình, cụ thể là phụ huynh phải có trách nhiệm giáo dục kỹ năng sống cho con em mình. Chuyên gia Vũ Đức Trí Thể cảnh báo: Vấn đề đặt ra trong giáo dục là nếu không biết, không hiểu và "làm đại” thì giáo dục sai còn gây hại hơn là không giáo dục. Hoặc nhiều phụ huynh trong cách dạy con nói một đằng (thông tin), nhưng thực tế lại hành xử một nẻo (thông điệp) thì càng nguy hiểm. Kỹ năng sống cũng có thể tự nghiệm trong quá trình lớn lên, "va chạm” với cuộc sống. Nhưng vấn đề ở chỗ, cái giá phải trả để ngấm những điều đó có lẽ "mắc” và "lâu” hơn rất nhiều, có khi tốn cả cuộc đời. Ví dụ có nhiều người gần hết cuộc đời mới nhận ra mình cần phải sống ý nghĩa. Hoặc khi mất một người thân mới hiểu giá trị của tình yêu thương. Rồi khi phá sản mất vài trăm triệu đồng mới học được một bài học giản đơn: "mình cần phải đi học”. "Học kỹ năng sống có thể bằng nhiều cách khác nhau, và tốt nhất là nên kết hợp trong một hệ thống hoàn chỉnh với nỗ lực tối đa của các chủ thể giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân các em)”, chuyên gia Vũ Đức Trí Thể nhấn mạnh. Hạnh Nhân |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét